VN30 nâng đỡ thị trường
Thị trường tiếp tục duy trì nhịp tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp, mặc dù thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp. Đáng chú ý, nhịp tăng của nhóm VN30 chính là nhân tố chính giúp VN-Index tăng hơn 6 điểm, chốt phiên ở 1.067 điểm. Tổng khối lượng giao dịch giảm 22,3 % so với phiên trước, đạt hơn 520 triệu đơn vị, tương ứng với hơn 9.372 tỷ đồng về giá trị.
Đà tăng tập trung chính ở nhóm vốn hóa vừa và lớn như nhóm thép (HPG, HSG, NKG), đầu tư công (VCG, LCG, FCN), ngân hàng (BID, EIB, ACB, CTG), chứng khoán (HCM, VCI, MBS, SSI).
BID tạo sự chú ý khi bất ngờ chốt phiên tăng trần, đóng cửa ở 44.700 đ/cp, với gần 5 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.
Khối ngoại sau phiên bán ròng cuối tuần trước đã chuyển sang trạng thái mua ròng trở lại với giá trị hơn 220 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung chính ở các mã: FUESSVFL (124 tỷ), HPG (30 tỷ), BID (30 tỷ) và FUEVFVND (20 tỷ).
Sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp, điểm số kỹ thuật của VN-Index vẫn duy trì ở mức +5 điểm (KHẢ QUAN). Hệ số P/E của VN-Index đang ở mức 11,2 lần.
VN-Index đã nối dài chuỗi phiên đi ngang vùng 1.050 – 1.070 trong nhiều phiên liên tiếp. Kháng cự gần nhất của chỉ số hiện quanh 1.070 – 1.080, ngược lại mất mốc 1.050 xu hướng điều chỉnh có thể sẽ xuất hiện.
Bản Tin Thị Trường
Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất năm 2023
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, các ngành như bất động sản, khai khoáng, nông nghiệp… đang gặp nhiều khó khăn; đồng thời cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine, tín dụng bị thắt chặt, cầu thị trường giảm, chi phí tiếp cận tài chính tăng. Đây là những ngành, lĩnh vực doanh nghiệp có sử dụng đất để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Bộ Tài chính trình Thủ tướng quyết định cho phép gia hạn chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước như mức áp dụng năm 2022.
Theo đó, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước phải nộp năm nay. Mức giảm tiền thuê đất, mặt nước được tính trên số tiền thuê đất, mặt nước của năm 2023. Trường hợp người thuê đang được giảm hoặc khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định, mức giảm 30% này được tính trên số tiền thuê đất, mặt nước phải nộp sau khi đã giảm hoặc khấu trừ.
Năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định cho phép giảm 30% tiền thuê đất phải nộp đối với các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất hàng năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số tiền thuê đất đã được giảm xấp xỉ 3.500 tỷ đồng.
Nguồn: cafef.vn
Năm 2023: Tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,83%
Thông tin tại Hội thảo công bố báo cáo kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023 vừa được tổ chức do CIEM và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ). Theo đó, Báo cáo triển vọng kinh tế năm 2023 của CIEM đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2023: Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%. Xuất khẩu tăng 7,21% và thặng dư thương mại đạt 5,64 tỷ USD; lạm phát sẽ ở mức 4,08%; Kịch bản 2, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ tích cực hơn lên mức 6,83%. Xuất khẩu tăng 8,43% và thặng dư thương mại đạt 8,15 tỷ USD. Tuy nhiên, lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 3,69%.
Đồng tình với 2 kịch bản mà CIEM đưa ra nhưng TS Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam phân tích, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những “cơn gió ngược” trong bối cảnh kinh tế quốc tế bất định, khôn lường, tiềm ẩn những rủi ro, thách thức… Do đó, mức tăng trưởng được đưa ra là khá cao so với điều kiện hiện nay của nền kinh tế. Bởi vậy, báo cáo cần nhấn mạnh thêm về nội lực của nền kinh tế để đạt mục tiêu đó và đồng thời hạn chế được những rủi ro, thách thức. Nhất là về đầu tư công, thị trường bán lẻ.
Trước đó, các tổ chức quốc tế lần lượt dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,2%. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo là 6,3%. Ngân hàng Standard Chartered (Anh) dự báo GDP Việt Nam tăng 7,2%. Ngân hàng HSBC (Anh) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,8%.
Nguồn: cafef.vn
FMC: báo lãi sau thuế quý 4/2022 giảm 26%
CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 với doanh thu sụt giảm 16% so với cùng kỳ, đạt 1.211 tỷ đồng. Chi phí vốn giảm chậm hơn mức tăng doanh thu, nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 155 tỷ, giảm 23% so với quý 4/2021. Trong quý doanh thu tài chính tăng mạnh 117% so với cùng kỳ, lên 36 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn thu lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá. Chi phí tài chính cũng gấp 5 lần so với cùng kỳ, lên trên 38 tỷ đồng (chi phí tài chính của công ty chủ yếu là chi trả lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá). Ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 53% và 17% so với cùng kỳ. Kết quả, lãi sau thuế thu về trong quý 4 đạt gần 81 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 78 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần đạt 5.702 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, Thực phẩm Sao Ta vẫn lãi sau thuế xấp xỉ 320 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 11% so với lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm ngoái, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 308 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) tăng 16% lên 4.703 đồng/cp.
Nguồn: cafef.vn
LDG: điều chỉnh phương án sử dụng vốn, quyết “rót” hơn 1.000 tỷ vào dự án LDG Grand Đà Nẵng
Công ty cổ phần đầu tư LDG (mã CK: LDG) vừa công bố nghị quyết hội đồng quản trị thông qua thay đổi phương án sử dụng vốn từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022. Trước đó vào giữa tháng 10/2022, Hội đồng quản trị LDG đã thông qua phương án chào bán 120 triệu cổ phiếu riêng lẻ với thị giá 10.000 đồng/đơn vị. Nếu chào bán thành công, LDG dự thu về 1.200 tỷ đồng.
Theo nghị quyết mới, LDG muốn thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán. Cụ thể, LDG giữ nguyên kế hoạch dùng 150 tỷ đồng để đầu tư dự án Khu chung cư Lô C1 – Khu đô thị mới Bình Nguyên (LDG Sky) nhưng điều chỉnh thời gian giải ngân từ quý IV/2022 – quý I/2023 thành quý I-IV/2023, sau khi Công ty hoàn tất đợt chào bán. Về dự án Khu Du lịch biển Bãi Bụt Sơn Trà (LDG Grand Đà Nẵng), LDG điều chỉnh tăng số tiền góp vốn đầu tư từ 850 tỷ đồng lên 1.050 tỷ đồng. Thời gian giải ngân dự kiến cũng điều chỉnh từ quý IV/2022- quý II/2023 thành quý I- IV/2023.
Nguồn: cafef.vn
TCD: thay đổi mục đích sử dụng vốn, dùng 380 tỷ đồng để bổ sung vốn kinh doanh lưu động
Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi, mã CK: TCD) vừa thông qua điều chỉnh phương án sử dụng hơn 872 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2021.
Sau điều chỉnh, Công ty sẽ dùng 280 tỷ đồng để thanh toán các khoản phải trả liên quan đến việc thi công dự án King Crown Infinity (giảm gần 1/2 so với 530 tỷ đồng kế hoạch cũ); 205 tỷ đồng để thi công dự án Hội An D’or (giảm hơn so với hơn 342 tỷ đồng kế hoạch cũ). Thời điểm giải ngân điều chỉnh thành đến quý III/2023 trong khi kế hoạch cũ là quý IV/2021 và năm 2022).
Còn lại gần 387 tỷ đồng, TCD dự kiến dùng bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không giới hạn các khoản trả nợ vay, nợ nhà thầu, vốn lưu động… Thời gian giải ngân dự kiến đến quý III/2023.
Nguồn: cafef.vn
BFC: giảm hơn 80% lợi nhuận trước thuế trong quý 4/2022, đặt kế hoạch đi lùi tiếp 80% trong quý 1/2023
Năm 2022, Phân bón Bình Điền ước tính đạt 8.693,2 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 236,3 tỷ đồng, giảm 36,4%. Theo đó, công ty đạt 1.901,3 tỷ đồng tổng doanh thu trong quý 4, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 24,8 tỷ đồng, giảm 82,4% tương đương giảm 116,27 tỷ đồng.
HĐQT của Phân bón Bình Điền đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 để trình cổ đông thông qua với doanh thu 7.476,5 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 6,9% so với ước tính thực hiện trong năm 2022. Riêng trong quý I/2023, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.354,5 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 20,4 tỷ đồng, giảm 80,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: cafef.vn
DRC: Quý 4 tăng trưởng âm, doanh nghiệp vẫn vượt 21% kế hoạch lợi nhuận năm
Theo ước tính kết quả kinh doanh quý 4/2022, CTCP Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng âm. Nhưng cả năm 2022, Công ty vẫn vượt kế hoạch đề ra ở cả 2 chỉ tiêu. Quý 4, DRC công bố doanh thu thuần ước đạt 1,114 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 104 tỷ đồng, đều giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2022, DRC ước doanh thu thuần đạt 4,898 tỷ đồng (tăng 12%) và lợi nhuận trước thuế đạt 386 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước.
Quý 1/2023, DRC đặt mục tiêu doanh thu thuần 1,100 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng, cùng “đi lùi” hơn 14% so với thực hiện trong quý 1/2022.
Nguồn: Vietstock.vn
NTC: thực hiện 97% kế hoạch 2022 dù lợi nhuận đi lùi 13%
Cụ thể, doanh thu thuần năm 2022 của NTC hơn 268 tỷ đồng, gần như đi ngang so với mức 271 tỷ đồng năm 2021. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính lại giảm mạnh 24%, còn gần 156 tỷ đồng. Theo NTC, nguyên nhân khiến doanh thu tài chính giảm do cổ tức nhận được từ các công ty đầu tư bên ngoài thấp hơn năm trước.
Về chi phí, các chi phí vận hành như chi phí bán hàng và quản lý được tiết giảm đáng kể, lần lượt giảm 11% và 29%. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng đến 90%, chủ yếu do chi phí lãi vay gấp gần 4 lần năm trước. Hệ quả, NTC ghi nhận lãi sau thuế năm 2022 giảm 13% so với năm trước, còn hơn 256 tỷ đồng. Với kết quả này, NTC lần lượt thực hiện được 65% mục tiêu doanh thu và 97% mục tiêu lãi sau thuế theo kế hoạch đề ra hồi đầu năm.
Nguồn: Vietstock.vn
(Tổng Hợp)